Thuốc điều trị đái tháo đường type 2 có những loại nào, lưu ý khi dùng thuốc?

thứ hai, ngày 28/08/2023
Mẹ tôi năm nay 57 tuổi, được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2, điều trị tại nhà. Bác sĩ cho tôi hỏi có những loại thuốc nào để điều trị đái tháo đường ?

CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Chào bạn,
Có thể thấy, dựa trên cơ chế bệnh sinh, việc điều trị bệnh đái tháo đường type 1 chỉ dựa vào insulin đường tiêm (do tụy không sản xuất được insulin), đây là dạng tiểu đường không dùng thuốc uống, trái ngược với tiểu đường type 2. Bệnh đái tháo đường type 2 là loại thường gặp nhất, chiếm 90% tổng số bệnh nhân đái tháo đường. Do đó, thuốc điều trị đái tháo đường type 2 chủ yếu là thuốc viên điều trị đái tháo đường không chứa insulin. Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc điều trị đái tháo đường khi bệnh nhân đã thực hiện tốt việc ăn uống có kế hoạch và tập thể dục nhưng vẫn không kiểm soát được đường huyết. Hiện tại có các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường được sử dụng hiện nay:
• Nhóm Sulfonylurea ( Acetohexamide, Chlorpropamide, Glimepiride, Gliclazide, Glipizide, Glyburide, Tolazamide, Tolbutamide ) kích thích tụy tiết thêm insulin, giúp cơ thể sử dụng tốt insulin, ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu
• Nhóm Biguanid (Metformin): ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu, giúp cơ thể sử dụng tốt insulin
• Nhóm thuốc ức chế men Alpha-glucosidase (Acarbose, Glyset) ức chế sự phân hóa carbohydrate thành đường glucose ở trong ruột, làm chậm sự hấp thu glucose vào máu, giúp giải quyết tình trạng tăng đường huyết sau bữa ăn.
• Nhóm Thiazolidinedione (pioglitazone, rosiglitazone) kích thích cơ bắp sử dụng insulin và giảm việc đưa glucose vào máu từ đường dạng dự trữ trong gan. Hiện nay không sử dụng Rosiglitazone vì nguy cơ tim mạch, trong khi Pioglitazone còn phải cân nhắc.
• Meglitinides (Repaglinide): kích thích tế bào beta tuyến tụy tiết thêm insulin, nhóm thuốc này cho tác dụng nhanh hơn sulfonylureas. Uống lúc bắt đầu bữa ăn giúp đường huyết không tăng quá mức cao sau khi ăn.
• Nhóm thuốc ức chế DPP4 (ức chế men DiPeptidyl Peptidase 4) (Sitagliptin, Vildagliptin, Saxagliptin, Linagliptin) ức chế hoạt động men DPP-4, làm tăng GLP-1, làm giảm đường huyết do kích thích tiết insulin và ức chế tiết glucagon. Thuốc được sử dụng 1 lần/ngày, không phụ thuộc bữa ăn.
• Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (Liraglutide, Exenatide, Semaglutide) Thuốc làm tăng tiết insulin khi lượng glucose máu tăng, đồng thời ức chế tiết glucagon, làm chậm nhu động dạ dày và làm giảm cảm giác thèm ăn
• Nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2 (Dapagliflozin, Canagliflozin) Ức chế tác dụng của kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2 tại ống lượn gần, tăng thải glucose qua đường niệu, khi dùng đơn độc ít gây hạ glucose huyết, giảm cân nặng, giảm huyết áp, giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường type có nguy cơ tim mạch cao, giảm HbA1c 0.5-1%
Lưu ý khi sử dụng thuốc:
• Người bệnh cần biết tên thuốc hạ glucose đường máu đang dùng.
• Biết rõ uống thuốc lúc nào để uống đúng giờ mỗi ngày
• Hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn ngưng thuốc hay chỉnh liều lượng.
• Thuốc điều trị đái tháo đường có thể kết hợp nhiều loại với nhau theo chỉ định của bác sĩ điều trị, không tự ý bỏ bớt thuốc.
• Tái khám đúng ngày
• Không chia sẻ liều thuốc tiểu đường với người khác, không nên uống thuốc tiểu đường theo liều của người khác.
• Thuốc điều trị tiểu đường không thể thay thế chế độ ăn uống khoa học và vận động thân thể.
Như vậy, việc dùng thuốc của bạn cần tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ và đồng thời với việc dùng thuốc bạn cũng cần thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện để đảm bảo kiểm soát tốt đường huyết.