Nguyên nhân của đái tháo đường

thứ hai, ngày 28/08/2023
Bố tôi năm nay 62 tuổi, vừa được chẩn đoán mắc đái tháo đường. Bác sĩ cho hỏi nguyên nhân của căn bệnh này là gì?

CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Chào bạn,
Trong cơ thể người có một hormon do tuyến tụy tiết ra, tên là Insulin, có tác dụng tham gia điều hòa lượng đường trong máu. Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Bố bạn có nhiều khả năng đang mắc tiểu đường tuýp 2. Khác với thể tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 trước kia được gọi là bệnh tiểu đường của người lớn tuổi hay tiểu đường không phụ thuộc vào insulin. Nguyên nhân gây bệnh ở thể bệnh này là do tình trạng kháng insulin kéo dài ở tế bào của cơ thể, lâu dần dẫn đến suy giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy. Ở những người này insulin do tuyến tụy tiết ra mặc dù đạt số lượng như người bình thường nhưng lại giảm, hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu. Đây là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng dần trẻ hóa. Số bệnh nhân ở thể này chiếm đến 90 – 95% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Bệnh không có những triệu chứng rõ ràng nên bệnh nhân khó phát hiện.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường có thể gồm nhiều yếu tố tác động như các gen nguy cơ, kháng insulin, tăng nhu cầu tiết insulin, ngộ độc glucose, ngộ độc lipid, rối loạn tiết/giảm hoạt động incretin, tích luỹ amylin, giảm khối lượng tế bào beta tuyến tụy…, kết cục là làm giảm chức năng tế bào beta tiến triển. Mức độ giảm tiết insulin và đề kháng insulin xuất hiện từ rất sớm, trước khi được chẩn đoán tiểu đường khoảng 13 năm, và tăng dần theo thời gian. Do đó, việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị tích cực người mắc tiền tiểu đường sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 2 và dự phòng các biến chứng tim mạch và biến chứng khác do tăng glucose máu (cả tăng lúc đói và sau ăn).
Hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của bạn !