Chẩn đoán đái tháo đường thai kì

thứ hai, ngày 28/08/2023
Tôi 35 tuổi, mang thai 4 tháng. Tôi nghe nói bà bầu có thể bị mắc đái tháo đường. Vậy làm thế nào để biết mình có bị đái tháo đường khi mang thai thưa bác sĩ?

CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Chào bạn
Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28. Đái tháo đường thai khi nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Vì vậy, khám thai định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp mẹ bầu đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con trong suốt thai kỳ.
Có thể thực hiện một trong những phương pháp sau để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:
1 Đường huyết đói, xét nghiệm dung nạp đường
Phương pháp 1 bước (one-step strategy)
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp 75g glucose đường uống (75-g OGTT): đo nồng độ glucose huyết tương lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những sản phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện vào buổi sáng lúc đói, sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi bất kỳ giá trị glucose huyết thoả mãn tiêu chuẩn sau đây:
• Đường máu lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
• Đường máu ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
• Đường máu ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Phương pháp 2 bước (two-step strategy)
Bước 1: Thực hiện nghiệm pháp uống glucose 50g hoặc uống tải glucose 50 gam (glucose loading test: GLT): Uống 50 gam glucose (trước đó không nhịn đói), đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những sản phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.
Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp 100g glucose đường uống (100-g OGTT): Nghiệm pháp phải được thực hiện khi bệnh nhân đang đói: Bệnh nhân nhịn đói, sau đó uống 100 gam glucose được pha trong 250ml - 300 ml nước, đo glucose huyết lúc đói vào tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose.
2 Tổng phân tích nước tiểu
Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:
Glucose
Glucose là một loại đường có trong máu. Bình thường thì trong nước tiểu sẽ không có hoặc có rất ít glucose. Khi lượng đường huyết trong máu tăng rất cao, chẳng hạn như đái tháo đường không kiểm soát thì đường sẽ thoát ra nước tiểu. Glucose cũng có thể được tìm thấy trong nước tiểu khi thận bị tổn thương hoặc có bệnh.
• Chỉ số glucose cho phép: 50-100 mg/dL hoặc 2.5-5 mmol/L.
• Nếu sản phụ dùng nhiều thức ăn ngọt trước khi làm xét nghiệm, sự xuất hiện của hàm lượng glucose trong nước tiểu là một điều bình thường. Nhưng nếu lượng đường ở lần xét nghiệm thứ hai cao hơn lần xét nghiệm đầu, thì đây là dấu hiệu cảnh báo sản phụ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, nếu có kèm thêm các triệu chứng như: mệt mỏi, luôn khát nước, sụt cân, thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra lượng đường huyết
Ketone
• Chỉ số này thường xuất hiện ở người bị tiểu đường, chế độ ăn ít chất carbohydrate, nghiện rượu hoặc suy nhược cơ thể.
• Chỉ số cho phép: 2.5-5.0mg/dL hoặc 0.25-0.5 mmol/L. Bình thường không có hoặc đôi khi có ở mức độ thấp đối với phụ nữ đang mang thai.
• Ketone là một chất được thải ra ở đường tiểu, cho biết sản phụ và thai nhi đang thiếu dinh dưỡng hoặc mắc chứng tiểu đường. Khi phát hiện lượng Ketone, và kèm theo các dấu hiệu như: chán ăn, mệt mỏi, thì sản phụ có thể sẽ được bác sĩ chỉ định truyền dịch và dùng thuốc. Để giảm hết lượng Ketone, sản phụ nên thư giãn, nghỉ ngơi và tuyệt đối không được bỏ bữa.
Bạn có thể gửi kết quả khám bệnh hoặc thuốc đang dùng để Hỏi đáp thuốc giải đáp, hướng dẫn cho bạn để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, an toàn nhất
Hỏi đáp thuốc, giải đáp thông tin thuốc cho từng bệnh nhân