Dấu hiệu nhận biết đái tháo đường

thứ hai, ngày 28/08/2023
Tôi năm nay 45 tuổi, thường xuyên thấy mệt mỏi, khát nước và đói bụng. Vậy có phải tôi mắc tiểu đường không ?

CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Chào bạn,
Tiểu đường (Đái tháo đường) là một bệnh biểu hiện bằng việc tăng nồng độ glucose huyết tương. Tiểu đường thường được chia làm 2 type. Tiểu đường type 1 thường thấy ở người trẻ (5-10% bệnh nhân dưới 20 tuổi), biểu hiện lâm sàng rất rầm rộ (hội chứng 4 nhiều – ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều). Tuy nhiên, tiểu đường type 2 lại diễn biến âm thầm trong nhiều năm, người bình thường có thể không biết mình bị tiểu đường cho tới giai đoạn muộn hoặc tình cờ phát hiện khi đi khám định kì.
Vậy, có dấu hiệu sớm nào báo trước liệu người bệnh mắc tiểu đường type 2 hay không? Hỏi đáp thuốc xin đưa ra 9 dấu hiệu có thể bạn đang mắc tiểu đường type 2.
1. Đi tiểu thường xuyên
Dấu hiệu này bao gồm các tình trạng tiểu nhiều vào ban ngày, tiểu đêm trên 2 – 3 lần. Ở trẻ em, tình trạng tiểu dầm cũng là 1 dấu hiệu cần lưu ý. Nguyên nhân do thận phải làm việc nhiều hơn để thải lượng đường dư thừa ra ngoài. Đi tiểu thường xuyên khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày.
2. Luôn cảm thấy khát
Người bệnh luôn cảm thấy khát là một trong những dấu hiệu Đái tháo đường phổ biến. Dấu hiệu này thường đi kèm với triệu chứng tiểu nhiều. Do tình trạng đi tiểu thường xuyên khiến cơ thể mất nước nhiều hơn bình thường. Vì vậy mà cơ thể cảm thấy khát, luôn phải uống nước nhưng không cải thiện nhiều.
3. Thường xuyên cảm thấy đói
Dấu hiệu Đái tháo đường này liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng của insulin. Bình thường, hormone này sẽ giúp đưa đường trong máu vào các mô cơ quan để cung cấp năng lượng. Khi insulin giảm số lượng hoặc cơ thể đề kháng insulin, chức năng này sẽ bị giảm sút.
Hậu quả là đường máu tăng cao nhưng các tế bào của các cơ quan không có đường để sử dụng. Vì thế mà cơ thể luôn trong tình trạng thiếu năng lượng. Đói là tín hiệu mà cơ thể thúc đẩy chúng ta tiếp tục nạp năng lượng vào.
4. Cơ thể mệt mỏi
Tình trạng mệt mỏi thường xuyên dù không vận động quá sức là một trong những dấu hiệu phổ biến trong giai đoạn sớm của Đái tháo đường tuýp 2. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể thiếu năng lượng do thiếu hụt hoặc đề kháng insulin. Đường không được đưa vào các tế bào, tế bào không sử dụng được năng lượng. Ngoài ra, sự mất nước cũng góp phần khiến cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
5. Có vấn đề về mắt
Nhìn mờ là một trong các dấu hiệu Đái tháo đường tuýp 2. Nguyên nhân của vấn đề này là do tăng áp lực trong dịch kính hoặc do tổn thương các mạch máu tại võng mạc. Bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn đầu thường chưa có triệu chứng nhìn mờ rõ ràng.
Bác sĩ có thể phát hiện sự bất thường mạch máu võng mạc qua thăm khám, soi đáy mắt. Vì vậy, để phát hiện sớm và kịp thời các vấn đề về mắt, người bệnh Đái tháo đường cần tuân thủ điều trị và thăm khám thường xuyên.
6. Nhiễm trùng
Đái tháo đường khiến sức đề kháng của người bệnh giảm sút. Tình trạng suy giảm miễn dịch khiến nguy cơ nhiễm trùng ở người bệnh tăng cao hơn bình thường. Các tình trạng nhiễm trùng da thường kéo dài và có xu hướng tái phát như nhọt, loét. Ngoài ra còn có các tình trạng nhiễm trùng tiểu, viêm nhiễm đường hô hấp, đường sinh dục..
7. Tê, ngứa đầu chi
Đây là tình trạng tê ngứa hay cảm giác nóng rát, tê rần như kiến bò ở tay chân đặc biệt là ngón tay ngón chân. Tình trạng này là hậu quả của sự tổn thương các dây thần kinh trong bệnh Đái tháo đường.
8. Giảm hoặc tăng cân không lí do
Tình trạng sụt cân nhanh thường gặp trong Đái tháo đường tuýp 1. Ngược lại, bệnh nhân Đái tháo đường tuýp 2 thường gặp tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, tích tụ mỡ vùng bụng và nội tạng.
Người bệnh Đái tháo đường tuýp 2 cũng có thể bị sụt cân ở mức độ vừa dù không ăn kiêng hay tập luyện nặng. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể thiếu năng lượng liên tục nên buộc phải tiêu cơ và mỡ để bù vào.
9. Chậm lành vết thương
Lượng đường tăng cao trong máu vừa cản trở lưu thông tuần hoàn, vừa gây tổn thương các mạch máu nhỏ và thần kinh. Vì vậy người bệnh Đái tháo đường thường không phát hiện sớm các vết thương nhỏ mới xuất hiện do giảm cảm giác đau.
Hậu quả là các vết thương này vừa không được chăm sóc tốt, vừa khó lành do máu lưu thông kém. Tình trạng chậm lành vết thương phối hợp với tăng nguy cơ nhiễm trùng khiến các vết thương, vết loét của người bệnh Đái tháo đường khó điều trị dứt điểm, cần được chú trọng chăm sóc đặc biệt.
Như vậy, với tình trạng của bạn, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được làm các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường và được điều trị kịp thời. Nên nhớ, đây là một căn bệnh giết người thầm lặng nhưng không đáng sợ nếu chúng ta phát hiện sớm.