thứ tư, ngày 30/08/2023
Tôi 20 tuổi, bị chảy dịch từ lỗ tai trái. Cho hỏi có phải tôi bị viêm tai không? Nguyên nhân của bệnh này là gì ?
CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Chào bạn
Khi phần tai ngoài (vành tai và ống tai) bị viêm nhiễm, nhiễm trùng thì được gọi là viêm tai ngoài. Bao gồm:
Viêm ống tai ngoài: Vùng tổn thương là lớp da bao phủ lấy ống tai ngoài.
Viêm tai ngoài khu trú: Là tình trạng nang lông trong ống tai bị nhiễm trùng, mưng mủ. Nguyên nhân thường do vi khuẩn Staphylococcus, triệu chứng bệnh thường là đau dữ dội trong tai. Nhọt càng to càng gây đau đớn và cần được xử lý, dẫn mủ sớm.
Viêm tai ngoài ác tính: Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất khi viêm hoại tử đã lan rộng khắp vùng tai ngoài, phá hủy các cấu trúc mô mềm xung quanh. Nếu không điều trị tiếp, viêm sẽ lan đến nền sọ, gây biến chứng nặng nề như: liệt dây thần kinh, áp xe não, viêm màng não,… Viêm tai ngoài ác tính thường gặp ở người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc tiểu đường, khiến vi trùng không bị tiêu diệt và ngày càng gây bệnh nặng hơn.
Triệu chứng viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài khá dễ nhận biết với biểu hiện rõ ràng bao gồm:
• Ù tai.
• Đau nhẹ.
• Tai rỉ dịch.
• Ngứa tai.
• Có mụn nhọt hoặc u gây đau trong khoang tai, mức độ đau dữ dội hơn khi mụn nhọt lớn dần, vỡ ra và gây chảy máu, mủ trong tai.
Người bệnh bị viêm tai ngoài có thể bị ảnh hưởng thính lực nhẹ nhưng sau điều trị, các triệu chứng biến mất thì khả năng nghe sẽ được phục hồi. Ngoài ra một số trường hợp viêm tai ngoài cấp tính còn gây đỏ, sưng nề, đau nặng kèm theo sốt và nổi hạch. Nhiễm trùng lan rộng cũng sẽ gây triệu chứng toàn thân nghiêm trọng hơn.
Xác định được nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ sẽ giúp chúng ta chủ động trong phòng ngừa bệnh.
Nguyên nhân trực tiếp
Vi khuẩn thường gây nhiễm trùng tai phổ biến nhất là trực khuẩn mủ xanh, hay tên khoa học là Pseudomonas. Hiếm gặp hơn viêm tai ngoài do một số loại nấm gây ra.
Ngoài ra, nhiễm trùng gây viêm tai ngoài có thể do các nguyên nhân khác như:
• Gãi hoặc ngoáy tai nhưng không vệ sinh tốt khiến vi khuẩn xâm nhập.
• Có dị vật trong tai.
• Dùng tăm bông hoặc vật để làm sạch ống tai quá mạnh gây tổn thương, chảy máu, viêm nhiễm.
Yếu tố nguy cơ
Viêm tai ngoài thường gặp hơn ở trẻ nhỏ và những người hay bơi lội, ngoài ra những người có cơ địa da nhạy cảm, người ít ráy tai hoặc tiểu đường cũng dễ bị viêm nhiễm hơn. Việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ sẽ giúp hạn chế khả năng mắc bệnh, bao gồm:
• Thường xuyên bơi lội ở vùng nước kém vệ sinh, nhiều vi khuẩn.
• Vệ sinh tai không sạch.
• Trẻ có ống tai hẹp nên dễ giữ nước trong tai, nếu không vệ sinh sạch sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng.
• Da dị ứng hoặc bị kích thích do keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc hoặc trang sức.
• Dùng tăm bông hoặc vật dụng có thể làm tổn thương khi vệ sinh trong tai.
• Thường xuyên dùng tai nghe, ống trợ thính nhưng không vệ sinh sạch.
Người bệnh bị viêm tai ngoài cũng cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ này tránh bệnh tiến triển nặng hơn hoặc tái phát nhiều lần dẫn tới mạn tính. Để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hãy đến phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để được các bác sĩ thăm khám.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.