Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp trong thời gian tiêm vacxin covid-19

thứ hai, ngày 28/08/2023
Tôi 45 tuổi, bị viêm khớp dạng thấp điều trị được 1 năm. Gần đây tôi có tiêm vacxin covid 19. Bác sĩ cho hỏi tôi có cần phải thay đổi thuốc chữa viêm khớp dạng thấp không ?

CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Chào bạn
Hiện chưa có dữ liệu trực tiếp về điều này từ vắc-xin COVID-19, nhưng những khuyến cáo này dựa trên bằng chứng gián tiếp từ những hiểu biết khi tiêm chủng các loại vắc-xin khác và theo cách mà hệ thống miễn dịch hoạt động nói chung. Ngoài ra, chúng ta cũng biết rằng các loại thuốc khác nhau hoạt động theo những cơ chế khác nhau, vì vậy, chúng ta không cần thiết phải dừng tất cả các thuốc điều trị điều hòa miễn dịch trong phác đồ điều trị bệnh nền. Các bác sĩ chuyên khoa học sẽ đưa ra khuyến nghị cho phù hợp với từng người bệnh cụ thể.
1. Người bệnh không thay đổi lịch tiêm chủng và không dừng các thuốc điều hòa miễn dịch cho điều trị bệnh nền trước hoặc sau khi tiêm chủng ngừa vắc-xin COVID-19, Điều này được áp dụng cho các thuốc sau:
Hydroxychloroquine (Plaquenil); Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG); Glucocorticoid liều thấp (liều prednisone hàng ngày < 20 mg); Sulfasalazine (Azulfidine); Leflunomide (Arava); Azathioprine (Imuren); Cyclophosphamide (Endoxan).
Thuốc sinh học: ức chế TNF-α (Enbrel, Humira, Remicade, Simponi); ức chế IL-6 (Actemra); ức chế IL-17 (Fraizeron); ức chế IL-12/23 (Stelara); Belimumab (Benlysta).
Thuốc ức chế calcineurin dạng uống (Cyclosporin hoặc Tacrolimus).
Đối với steroid liều cao (Prednisone liều hàng ngày ≥ 20 mg): Một số ý kiến cho rằng không cần thay đổi liều thuốc, trong khi một số ý kiến khác khuyến nghị bệnh nhân có thể giảm steroid xuống liều thấp hơn trước khi tiêm vắc-xin COVID-19 để đảm bảo vắc-xin bảo vệ người bệnh ở mức độ cao nhất có thể.
2. Khuyến cáo thay đổi thời gian dùng một số thuốc điều trị bệnh khớp viêm tự miễn và bệnh tự miễn ở thời điểm tiêm vắc-xin phòng COVID 19
- Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khuyến cáo mọi người không dùng Acetaminophen (Tylenol) và các thuốc chống viêm không corticoid – NSAIDs (Ibuprofen hoặc Naproxen) với mục đích ngăn ngừa tác dụng không mong muốn của vắc-xin trong vòng 24h trước khi chủng ngừa vắc-xin COVID-19. Đã có những bằng chứng cho thấy điều này có thể hữu ích trong việc tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể sau tiêm vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, nếu sau tiêm vắc xin có các triệu chứng cúm nặng gây sốt, đau người thì có thể sử dụng được các thuốc trên để điều trị các triệu chứng.
- Methotrexate: đây là một trong những thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh khớp viêm do tự miễn dịch. Đối với các vắc-xin tiêm hai liều thì phải ngừng uống Methotrexate một tuần sau mỗi lần tiêm vắc-xin. Đối với loại vắc-xin tiêm một liều đã đủ đạt hiệu quả miễn dịch (Johnson & Johnson) thì phải ngừng uống Methotrexate trong 2 tuần sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, nếu việc tạm ngừng Methotrexate làm cho bệnh khớp có thể bùng phát nặng lên thì khuyến cáo có thể cân nhắc không ngừng Methotrexate sau khi tiêm. Điều này sẽ được cân nhắc kỹ và quyết định bởi bác sỹ chuyên khoa đối với từng người bệnh cụ thể.
- Thuốc ức chế JAK (Xeljanz, Olumiant, Rinvoq): thuốc Janus Kinase Inhibitors (JAKi) là một dòng thuốc mới để điều trị bệnh lý viêm khớp dạng thấp, là loại thuốc uống hàng ngày. Các thuốc ức chế JAK hoạt động bằng cách làm giảm hoạt động của các protein hệ thống miễn dịch được gọi là interferon. Trong cơ thể, interferon đóng vai trò quan trọng trong cách đáp ứng của hệ thống miễn dịch khi bị vi rút xâm nhập. Hướng dẫn của ACR khuyến cáo người bệnh tạm ngừng sử dụng các loại thuốc này trong một tuần sau mỗi lần tiêm vắc-xin COVID-19.
- Mycophenolate (CellCept): ngừng dùng thuốc này trong một tuần sau mỗi liều vắc xin COVID-19 nếu bệnh ổn định.
- Cyclophosphamide tĩnh mạch: Thời gian dùng sẽ là sau 1 tuần của mỗi liều tiêm vắc-xin.
- Abatacept (Orencia) dạng tiêm tĩnh mạch: người bệnh được tiêm vắc xin COVID-19 thì cách thời điểm tiêm Abatacept 4 tuần sẽ tiêm vắc-xin, sau đó ngừng sử dụng Abatacept một tuần sau liều vắc-xin đầu tiên (khoảng liều lúc này là 5 tuần), với liều vắc-xin thứ 2 không có thay đổi gì.
- Abatacept (Orencia) dạng tiêm dưới da: lùi abatacept tiêm dưới da 1 tuần cả trước và sau tiêm vắc-xin COVID-19 mũi đầu tiên; không có ngưng sử dụng nào đối với mũi thứ 2
- Rituximab (MabThera) là kháng thể đơn dòng, trong điều trị viêm khớp dạng thấp thường liều 1000mg/16-24 tuần: kế hoạch tiêm các mũi vắc-xin sẽ bắt đầu trước mũi rituximab tiếp theo 4 tuần ; sau khi tiêm vắc-xin, lùi tiêm rituximab 2-4 tuần kể từ thời điểm mũi vắc-xin cuối cùng, nếu mức độ hoạt động bệnh cho phép.
Việc ra quyết định thay đổi liên quan đến điều trị viêm khớp dạng thấp trong thời gian tiêm ngừa COVID-19 sẽ phải do bác sĩ chuyên khoa điều trị cho bạn quyết định. Vậy nên hãy hỏi bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.