Bệnh loãng xương có nguy hiểm không ?

thứ hai, ngày 28/08/2023
Chào bác sĩ, bố mẹ tôi năm nay 75 tuổi, đều bị loãng xương. Bác sĩ cho hỏi bệnh này có nguy hiểm không ?

CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Chào bạn
Bệnh loãng xương có thể ảnh hưởng đến cả phụ nữ và nam giới, đặc biệt là những người trên 50 tuổi. Rất khó để phát hiện triệu chứng của bệnh loãng xương ở giai đoạn đầu nên nhiều người chỉ phát hiện mình mắc bệnh khi loãng xương gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng của loãng xương điển hình nhất là:
Gãy xương
Chỉ nhìn vào biến chứng này thôi đã đủ hiểu bệnh loãng xương có nguy hiểm không. Đây là biến chứng hàng đầu của bệnh, để lại tàn tật vĩnh viễn cho 50% bệnh nhân và tăng khoảng 20% nguy cơ tử vong sau năm đầu tiên.
Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ xương, khiến xương trở nên yếu giòn, dễ gãy hơn. Chỉ cần một cú va chạm nhẹ, thậm chí cúi gập người, ho hoặc hắt hơi cũng có thể gây gãy xương.
Gãy xương cột sống hoặc gãy xương hông là những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Bên cạnh đó, một số vị trí chịu lực khác của cơ thể cũng rất dễ gãy như xương đùi, xương cổ tay,… Khả năng hồi phục khi bị gãy ở những vị trí này là rất khó, kèm theo đó là nguy cơ bị tàn tật suốt đời và tử vong là rất cao.
Đồng thời, người từng bị gãy xương do loãng xương cũng rất dễ bị tái gãy xương về sau.
Bệnh loãng xương có nguy hiểm không khi gây lún xẹp cột sống
Bệnh loãng xương còn nguy hiểm ở chỗ làm lún xẹp đốt sống cho khoảng 3% người bệnh. Người bệnh chỉ cần vác vật nặng, không cẩn thận té ngã hay hắt hơi thôi cũng có thể dẫn đến lún xẹp đốt sống.
Trên thực tế, biến chứng lún xẹp đốt sống do loãng xương có tỷ lệ tử vong thấp nhưng lại có nguy cơ cao gây tàn phế vĩnh viễn.
Lún xẹp cột sống khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, dẫn đến tình trạng đau kéo dài. Nếu số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều còn có thể đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống.
Bên cạnh đó, biến dạng cột sống do tình trạng lún xẹp cũng rất phổ biến. Nếu bạn là nữ giới và đang quan tâm đến bệnh loãng xương có nguy hiểm không thì đừng bỏ qua biến chứng này. Cột sống suy yếu đến mức biến dạng, dẫn đến đau lưng kéo dài, giảm chiều cao, gây gù lưng hay còng lưng. Thậm chí, gãy xương cột sống ở người loãng xương xảy ra ngay cả khi không có té ngã hay va chạm gì quá mạnh.
Ngoài ra, nếu loãng xương làm biến dạng đốt sống ngực cũng có thể dẫn đến biến dạng lồng ngực và nặng hơn là gây khó thở nghiêm trọng.
Giảm khả năng vận động
Một biến chứng nguy hiểm khác của loãng xương là làm giảm khả năng vận động của bệnh nhân. Nhiều trường hợp, người bị loãng xương có thể bị tàn phế suốt đời, làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Theo thống kê, khoảng 30% ca gãy xương hông do loãng xương cần đến sự chăm sóc dài hạn. Người bị gãy xương do loãng xương có thể phải nằm bất động một chỗ, mọi sinh hoạt bình thường phải phụ thuộc vào người chăm sóc. Bên cạnh đó, việc nằm bất động trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến các biến chứng khác như hoại tử da, viêm phổi, tắc mạch chi,…
Do đó, để có thể có những biện pháp can thiệp nhằm tránh nguy cơ biến chứng của loãng xương, bạn nên đưa bố mẹ đi khám ở các chuyên khoa lão khoa để được tư vấn kịp thời.