Thuốc điều trị mày đay?

thứ hai, ngày 28/08/2023
Con tôi 34 tuổi. Cháu bị nổi mày đay khắp người. Tôi phải mua thuốc gì để dùng?

CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Mày đay là hiện tượng phát ban da, là tình trạng phản ứng của mao mạch trên da do nhiều yếu tố khác nhau, gây phù cấp tính hoặc mạn tính ở trung bì. Biểu hiện của mày đay là các sẩn, mảng hồng ban hoặc trắng, phù nề, có giới hạn rõ ràng. Kích thước và hình dạng mày đay thay đổi, có thể có hình tròn hoặc bầu dục, tập hợp lại thành hình đa cung. Mày đay cũng có thể có bóng nước, xuất huyết hoặc tróc vảy trên da. Bệnh nhân có thể bị ngứa nhiều hoặc ít. Vị trí xuất hiện thường gặp của mày đay là da, niêm mạc, thanh quản và đường tiêu hóa.
Điều trị mày đay bằng thuốc
• Dùng thuốc kháng histamin: Kháng histamin thế hệ I có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, kháng cholinergic (khô miệng, nhìn mờ, tim đập nhanh, rối loạn tiết niệu,...) và dễ tương tác thuốc. Thuốc kháng histamin thế hệ II như cetirizine, levocetirizine ít gây buồn ngủ; thuốc desloratadine, fexofenadine, loratadine không gây buồn ngủ, ít tác dụng cholinergic và ít gây tương tác thuốc;
• Dùng thuốc corticoid toàn thân: Dạng uống hoặc tiêm chỉ nên dùng trong những trường hợp nổi mày đay cấp, nặng, kèm phù thanh quản. Thuốc cũng có thể dùng trong một số trường hợp mày đay do viêm mạch, mày đay do chèn ép hoặc mày đay mạn tính không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường. Thuốc không nên dùng để điều trị mày đay mạn tính tự phát. Liều dùng là 30 - 60 mg, dùng 1 lần buổi sáng hoặc 2 lần sáng - chiều, giảm liều trong 2 tuần;
• Dùng thuốc khác: Leukotriene, colchicine, epinephrine, dapson, doxepin,...;
• Thay huyết tương, Immunoglobuline truyền tĩnh mạch (trong trường hợp nặng, kháng trị).
Mày đay là bệnh lý thường gặp, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bệnh nhân và dễ gây ra nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, bạn nên đưa cháu đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được điều trị kịp thời.