Triệu chứng khó thở hậu covid và cách điều trị ?

thứ hai, ngày 28/08/2023
Tôi 40 tuổi, đã khỏi covid19 được 3 tháng. Gần đây tôi thấy khó thở trở lại. Như vậy có bình thường không ?

CÂU TRẢ LỜI TỪ BÁC SĨ
Chào bạn,
Hiện các nhà nghiên cứu đã xác định được những bất thường trong phổi của những bệnh nhân bị Covid-19 kéo dài. Nghiên cứu này đã thí điểm với 36 bệnh nhân, cho thấy có khả năng Covid-19 có thể gây ra tổn thương vi thể cho phổi mà không được phát hiện bằng các xét nghiệm thông thường. Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh những bất thường về phổi ở những người bị Covid-19 kéo dài gặp tình trạng khó thở. Virus đã gây ra một số bất thường dai dẳng trong cấu trúc vi mô của phổi hoặc hệ mạch phổi, ảnh hưởng đến trao đổi carbon dioxide và oxy.
Những tổn thương hay gặp nhất ở phổi là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng… Tình trạng này kéo dài kể cả khi kết quả xét nghiệm âm tính ở người nhiễm Covid-19. Triệu chứng khó thở hậu Covid có thể được mô tả như sau:
• Cảm thấy cơ thể nhận không đủ không khí
• Cảm thấy bị chóng mặt hoặc khó thở
• Cảm giác như phần thân trên nặng nề và tay phải xoa lồng ngực để dễ thở hơn.
• Cảm thấy cần phải dừng lại thường xuyên trong quá trình hoạt động cho phép bạn thở để bình thường
Khi bị khó thở, hoặc xuất hiện cơn khó thở đột ngột có thể khiến chúng ta cảm thấy hoảng loạn hoặc lo lắng. Điều này có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Để cải thiện tình hình, bạn cần tuân thủ hướng dẫn sau:
• Cần bình tĩnh, tập thở bằng cách hít thở sâu và thở ra chậm rãi
• Thở mím môi
• Hít hơi nước nóng, hoặc xịt thông mũi giúp đường thở thông thoáng hơn
• Chọn tư thế ngồi thoải mái
• Sử dụng quạt cầm tay để quạt không khí qua mũi và mặt có thể giúp loại bỏ cảm giác khó thở. Lực của luồng không khí trong khi hít sẽ giúp bạn cảm thấy như có thêm không khí vào phổi.
• Uống trà gừng bằng cách cắt vài lát gừng tươi cho vào 2 cốc nước sôi. Đậy nắp trong 10 phút, cho thêm chanh và mật ong vào rồi uống, giúp dễ thở hơn.
• Không hoạt động liên tục, đặc biệt tránh hoạt động khom lưng gập người như nghề bốc vác, khiêng đồ nặng, cần có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên trong một hoạt động.
• Chuẩn bị thiết bị đo áp độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên (SpO2)
• Làm việc với tần suất vừa phải, nhờ sự giúp đỡ từ người khác, không làm việc quá gắng sức
• Bắt đầu với tập thể dục từ từ đi bộ đến khi khỏe mạnh có thể chạy bộ. Tuyệt đối không tập chạy khi bản thân thấy còn khó thở
• Tập thở với các bài tập đơn giản như động tác thiền
• Thở bụng thư giãn: Kỹ thuật thở này có thể giúp ích nếu bạn khó hô hấp sau khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào. Nó có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc hoảng loạn.
Bạn cần đi cấp cứu hoặc gọi tổng đài Cấp cứu 115 khẩn cấp nếu xuất hiện cơn hụt hơi đột ngột, cảm thấy tức ngực, khó nói.
Dấu hiệu cần đi cấp cứu ngay:
• Xuất hiện cơn đau tức ngực
• Cơn đau nhói ngực lan đến cánh tay, lưng, hàm, cổ
• Có thể kèm cơn đau nhói tim
Cần đi khám bác sĩ ngay nếu gặp các triệu chứng sau đi kèm:
• Thở khò khè.
• Khó chịu ở ngực, đau hoặc đau ngực
• Cổ họng căng cứng hoặc ho, nuốt sặc
• Khó thở ngay cả khi hoạt động nhẹ hoặc trong khi nghỉ ngơi
• Xuất hiện cơn khó thở trong đêm hoặc khi ngủ
• Phải đứng lên mới thở được
• Khó thở khi nói chuyện
• Khó thở khi hít vào hoặc nghẹt thở khi ăn uống
Như vậy, bạn tuyệt dối không được chủ quan với triệu chứng của mình mà cần theo dõi sát, nếu có các triệu chứng trên hay khó thở trở nặng thì hãy đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.